Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh trong tuần (từ ngày 18 – 22/12/2023)

Facebook
Twitter
Print

Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân; Tăng cường bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Tiếp tục đẩy mạnh, phân cấp thủ tục hành chính và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính… là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh trong tuần (từ ngày 18 – 22/12/2023).

Anh-tin-bai

Mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại

Ngày 19/12/2023, Ban Chỉ đạo 389/ĐP ban hành Kế hoạch số 881/KH-BCĐ cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Theo kế hoạch, các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh về công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trong đó, ngành chức năng xác định được đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm đấu tranh, ngăn chặn. Tại các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, xe vận chuyển trên các tuyến đường bộ, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa… sẽ được tăng cường kiểm soát.

Đắk Nông kiểm tra chặt chẽ, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua bán online, mạng xã hội để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…

UBND tỉnh yêu cầu mỗi đơn vị cần xây dựng phương án tổ chức và tăng cường lực lượng, phương tiện, duy trì kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới để ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu vào nội địa.

Trong đó, cần tập trung vào các nhóm hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán như: thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu, gia súc, gia cầm, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp…

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Tiếp cận thông tin

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Công văn số 9452/VPCP-PL ngày 01/12/2023 của Văn phòng Chính phủ về công tác thi hành Luật Tiếp cận thông tin, ngày 20/12/2023 Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Văn bản số 7824/UBND-PNC về việc tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Tiếp cận thông tin.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:

Tiếp tục quan tâm chỉ đạo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của người dân; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với Điều 3 Luật Tiếp cận thông tin, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quyền tiếp cận thông tin.

Tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật về Tiếp cận thông tin đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và Nhân dân tại đơn vị, địa bàn quản lý nhằm nâng cao nhận thức về quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức và công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Xác định việc cung cấp thông tin cho công dân là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường rà soát, đề xuất sửa đổi, bãi bỏ các quy định pháp luật, các thủ tục hành chính không phù hợp, các giấy tờ không cần thiết.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường công khai, minh bạch thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, nhất là các lĩnh vực được người dân quan tâm (như đất đai, xây dựng, đầu tư, kinh doanh, lao động, việc làm…).

Bổ sung, điều chỉnh danh sách người cao tuổi thọ 90, 95 tuổi năm 2024

Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười đã ký Quyết định số 1775/QĐ-UBND vào ngày 20/12/2023 về việc bổ sung, điều chỉnh danh sách người cao tuổi thọ 90, 95 tuổi năm 2024 tại Quyết định số 1551/QĐ-UBND ngày 16/11/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh, cụ thể như sau:

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

Tiếp tục đẩy mạnh, phân cấp thủ tục hành chính và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Ngày 20/12/2023, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 7815/UBND-NC về việc tiếp tục đẩy mạnh, phân cấp thủ tục hành chính và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Theo đó UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

Rà soát, phân cấp, ủy quyền TTHC bảo đảm phù hợp, khả thi, nhằm giảm tầng nấc, khâu trung gian. Báo cáo UBND tỉnh trước ngày 27/12/2023.

Rà soát toàn bộ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành và các công việc thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, để tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh công bố bổ sung đầy đủ các TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý. Thời gian hoàn thành trong tháng 12 năm 2023.

Rà soát đối với ít nhất 50% trên tổng số TTHC thuộc phạm vi quản lý, đề xuất phương án đơn giản hóa bảo đảm mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% TTHC và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ TTHC. Thời gian hoàn thành trong tháng 12 năm 2023; đối với 50% thủ tục hành chính còn lại hoàn thành trong năm 2024.

Thực hiện kiểm soát TTHC nội bộ ngay trong quá trình dự thảo văn bản pháp luật; quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung TTHC nội bộ trong quá trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo Chương trình, Kế hoạch ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh.

Phát huy tốt vai trò điều phối, đánh giá, rà soát độc lập của đơn vị kiểm soát TTHC; vai trò chủ trì rà soát của các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu ban hành TTHC nội bộ; vai trò của các chuyên gia độc lập; cũng như vai trò phối hợp cả các đơn vị là đối tượng thực hiện TTHC nội bộ.

Chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh phương án đơn giản hóa đối với TTHC nội bộ thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ quản lý ngành, lĩnh vực mà địa phương là đối tượng thực hiện và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan trong quá trình rà soát, đơn giản hóa TTHC này để bảo đảm phương án cắt giảm, đơn giản hóa phù hợp, khả thi.

Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, tái sử dụng dữ liệu số hóa đã có trong Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, thực hiện xử lý hồ sơ công việc toàn trình trên môi trường điện tử, dần bỏ hồ sơ giấy; khai thác triệt để lợi ích mang lại của Đề án 06.

Định kỳ hằng tháng công khai kết quả đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh

Ngày 20/12/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười đã ký ban hành Quyết định số 1769/QĐ-UBND về việc tặng bằng khen cho 5 tập thể và 10 cá nhân đã có thành tích xuất sắc góp phần vào sự phát triển của tỉnh Đắk Nông, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Đắk Nông (16/3/2004 – 16/3/2024)

Tiền thưởng kèm theo Bằng khen được trích từ Quỹ khen thưởng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Đắk Nông; mức chi theo quy định tại Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ.

Ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông

Ngày 21/12/2023, UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 38/2023/QĐ-UBND Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông.

Quyết định trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024 và thay thế Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND ngày 26/04/2016 của UBND tỉnh Đắk Nông quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông.

Triển khai thực hiện Quy chế phối hợp về khai thác, ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trong hoạt động NHCSXH

Ngày 21/12/2023, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến đã ký ban hành Văn bản số 7839/UBND-PNC về việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp về khai thác, ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trong hoạt động Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH).

Theo đó, UBND tỉnh có những ý kiến chỉ đạo như sau:

Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng Công an các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Quy chế phối hợp; hỗ trợ NHCSXH cùng cấp trong quá trình triển khai rà soát, xác minh, làm sạch thông tin công dân là đối tượng vay vốn các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH, nhằm bảo toàn và phát triển nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; đồng thời góp phần chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, bảo đảm bảo mật, an toàn thông tin, tuân thủ theo đúng quy định bảo vệ bí mật Nhà nước; đẩy mạnh phối hợp thực hiện khai thác và ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử phục vụ các hoạt động của NHCSXH gắn với tình hình thực tế tại địa phương để tạo ra nhiều tiện ích, đồng bộ dữ liệu, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân.

UBND tỉnh giao:

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đắk Nông Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để tổ chức triển khai cho vay tín chấp công dân: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công theo Mô hình 19, Kế hoạch số 511/KH-UBND ngày 07/8/2023 của UBND tỉnh Đắk Nông.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh: Chỉ đạo các Phòng Giao dịch NHCSXH cấp huyện giao cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn chủ động tham mưu, phối hợp với UBND cấp xã, Công an cấp xã để rà soát, nắm bắt kịp thời những công dân mới chuyển đến trên địa bàn và làm sạch thông tin công dân là khách hàng vay vốn NHCSXH đi khỏi nơi cư trú.

UBND các huyện, thành phố: Chỉ đạo các phòng, ban liên quan; UBND cấp xã trên cơ sở danh sách tổng hợp công dân đăng ký nơi ở hiện tại đang sinh sống trên địa bàn do Công an cấp xã cung cấp, phối hợp cùng cán bộ NHCSXH trên địa bàn làm sạch thông tin công dân là khách hàng vay vốn đi khỏi nơi cư trú.

Cấp bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia Mức độ 1

Ngày 22/12/2023, UBND tỉnh đã ban hành 02 Quyết định, bao gồm: Quyết định số 1784/QĐ-UBND và Quyết định số 1785/QĐ-UBND về việc cấp bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia Mức độ 1 lần lượt cho 02 trường là Trường mẫu giáo Măng Non, xã Đắk N’Drót, huyện Đắk Mil và Trường mẫu giáo Hòa Bình, xã Thuận An, huyện Đắk Mil.

Theo đó, thời hạn công nhận là 05 năm kể ngày thi hành Quyết định.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về tính pháp lý, quy trình hồ sơ do đơn vị thẩm định và trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Hiệu trưởng các trường: Măng Non, Hòa Bình có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành để duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng đạt chuẩn trong những năm tiếp theo.

Tiếp nhận, xử lý thông tin về các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình

Ngày 22/12/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 7856/UBND-KGVX về triển khai thực hiện Nghị định 76/2023/NĐ-CP ngày 01/11/2023 của Chính phủ. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo như sau:

Các cơ quan, đơn vị, địa phương:

Chủ động nghiên cứu và cập nhật các nội dung tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định số 76/2023/NĐ-CP để tổ chức thực hiện các nội dung liên quan theo đúng quy định.

Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 10/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án về phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn tiếp theo.

Xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với thẩm quyền quy định về mức chi tại khoản 3 Điều 32 Nghị định số 76/2023/NĐ-CP (thẩm quyền Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hay thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo điểm g khoản 9 Điều 30, Luật ngân sách Nhà nước năm 2015). Trên cơ sở đó, kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền quy định mức cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

Giao Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai tuyên truyền số điện thoại tổng đài phòng, chống bạo lực gia đình (sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông công bố); tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tích cực ngăn chặn và giảm nguy cơ bạo lực gia đình; tăng cường theo dõi, phát hiện các hành vi bạo lực gia đình thông qua môi trường mạng, phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý theo quy định.

Giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:

Lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật trong triển khai công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực đối với trẻ em trong môi trường gia đình.

Phối hợp tiếp nhận, xử lý thông tin về các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình trên Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ trẻ em.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định số 76/2023/NĐ-CP tại địa phương.

Ưu tiên nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn, phát triển địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.

Tăng cường bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thực hiện Công điện số 1385/CĐ-TTg ngày 20/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngày 22/12/2023, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 7859/UBND-KGVX, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện một số nội dung như sau:

Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Ban Dân tộc và UBND các huyện, thành phố: Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non; các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 02/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025, Quyết định số 1609/QĐ-TTg ngày 26/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 – 2030.

Sở Giáo dục và Đào tạo:

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành quan liên quan và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo rà soát việc tổ chức, thực hiện các bữa ăn cho trẻ em mầm non, học sinh bán trú, nội trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện các chế độ chính sách khác đối với trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý; xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân nếu có vi phạm; rà soát, đánh giá, huy động các nguồn lực để bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, vệ sinh môi trường và học tập cho trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục.

Tăng cường chỉ đạo, quản lý, kiểm tra việc thực hiện chính sách về giáo dục dân tộc, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống cháy nổ trong các cơ sở giáo dục.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về quản lý tài chính, tài sản, mua sắm trang thiết bị giáo dục và quy định về đạo đức nhà giáo; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giáo dục; tích cực xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện.

Ban Dân tộc tỉnh: Sử dụng hiệu quả các nguồn lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi giai đoạn 2021 – 2030 cho giáo dục, bảo đảm thực hiện mục tiêu “100% số trường, lớp học ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn được xây dựng kiên cố”.

UBND các huyện, thành phố: Tăng cường chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chế độ, chính sách ở cơ sở giáo dục; chính sách về giáo dục dân tộc, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống cháy nổ trong các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý; Chỉ đạo các đơn vị có liên quan tại địa phương thực hiện nghiêm các quy định về quản lý tài chính, tài sản, mua sắm trang thiết bị giáo dục và quy định về đạo đức nhà giáo; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giáo dục; tích cực xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện đối với các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý.

N.N

Đánh giá bài viết này